ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN VĂN 12 - KIEM TRA HKII

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP. HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG THCS – THPT PHẠM NGŨ LÃO

 

KIỂM TRA HỌC KỲ 2. NĂM HỌC 2014-2015

Môn: Ngữ văn 12, thời gian 120 phút

(Không kể thời gian phát đề)

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

  1. I.      Phần đọc hiểu (4 điểm)

Đọc văn bản và trả lời các câu từ 1 đến 4: (2,0 điểm)

Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà  nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi  tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó  phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây  bay ra. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt  làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không  lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những  cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ  lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của  chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà  nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...                                     

(Trích Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành)

1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)

2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì? (0,5 điểm)

3. Trong đoạn văn trên, Nguyễn Trung Thành sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, đối lập. Xác định biểu hiện các phép tu từ đó. (0,5 điểm)

4. Xác định từ loại của các từ được gạch chân : mọc, lao, phóng, ham, tiếp, vượt, ưỡn trong văn bản. Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng  các từ đó là gì? (0,5 điểm)

Hướng dẫn

1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức tự sự (0,5 điểm)/ miêu tả (0,5 điểm)

2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn:

- Nói về đặc tính của cây xà nu. Đó là cây ham ánh sáng mặt trời, sinh sôi nảy nở nhanh và khoẻ.

- Khi bị đạn đại bác bắn, cây xà nu bị chặt đứt ngang thân, cây chết. Nhưng  một số cây còn sống, vết thương chóng lành, vượt lên trên cao để đón ánh nắng mặt trời.

- Cây xà nu bảo vệ dân làng Xô Man.

à Học sinh chỉ trả lời được từ 1 đến 2 ý cho 0,25 điểm

3. Trong đoạn văn trên, Nguyễn Trung Thành sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, đối lập.  (0,5 điểm)

Biểu hiện các phép tu từ đó là:

- So sánh : Trong rừng ít loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy ; Nhưng cũng có những  cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ  lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của  chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng.

- Nhân hoá:  những vết thương của  chúng chóng lành ; Chúng vượt lên rất nhanh; rừng xà  nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...

- Đối lập: Cạnh một cây xà  nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên; Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không  lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những  cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê

 4.

- Từ loại của các từ được gạch chân : mọc, lao, phóng, ham, tiếp, vượt, ưỡn trong văn bản là động từ, hàng loạt động từ mạnh: 0,25 điểm

- Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng các động từ đó là : thể hiện tư thế chủ động của cây xà nu, ca ngợi sự khao khát sống, khả năng sống tiềm tàng, mãnh liệt: 0,25 điểm

 

Đọc văn bản và trả lời các câu từ 5 đến 8: (2,0 điểm)

Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn

Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Họ đã lấy thân mình làm cột mốc

Chặn quân thù trên biển đảo quê hương

 

Có nơi nào như Đất nước chúng ta

Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ

Khi giặc đến vạn người con quyết tử

Cho một lần Tổ quốc được sinh ra

Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa

Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển

(TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA – Nguyễn Việt Chiến)

  1. Chỉ ra một biện pháp tu từ và nêu tác dụng của phép tu từ đó. (0,5 điểm)
  2. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản (0,5 điểm)
  3. Hình tượng  người lính biển được hiện lên qua  những từ ngữ, chi tiết nào? (0,5 điểm)
  4. Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lính biển trong khoảng từ 7 – 10 dòng (0,5 điểm)

Hướng dẫn:

  1. HS chỉ ra được 1 trong số các biện pháp tu từ sau : (chỉ ra biện pháp và từ chứa biện pháp: 0,25;  nêu tác dụng: 0,25)

-         Điệp ngữ :Họ đã  lấy -> sự hi sinh quên mình vì tổ quốc của người chiến sĩ nơi biển đảo.

-         Số từ : “ngàn chương sử đỏ” -> lịch sử dài lâu, truyền thống yêu nước vẻ vang, anh dũng của dân tộc

-         Số từ: “vạn người con quyết tử” -> tinh thần anh hùng, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hi sinh vì tổ  quốc của thế hệ trẻ Việt Nam

-         Ẩn dụ: “sóng dữ” ->  bờ cõi của  đất nước, biển đảo quê hương đang bị  kẻ thù rình rập, xâm lấn.

-         Hoán dụ:   “lấy ngực mình làm lá chắn”, “lấy thân mình làm cột mốc” -> sự hi sinh dũng cảm của người  lính đảo, hình dáng của họ đã trở thành dáng hình tổ quốc.

(Nếu hs phát hiện ra được những biện pháp tu từ khác chưa có  trong đáp án nhưng đúng kĩ năng, các thầy cô vui lòng vẫn cho điểm)

  1. 6.     Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm: 0,5
  2. 7.     Hình tượng người lính:

- Hiện lên qua những từ ngữ:“lấy ngực mình làm lá chắn”, “lấy thân mình làm cột mốc”, “ vạn người con quyết tử”,“vẫn ngày đêm bám biển” (0,5)

8. Cảm nhận của hs: hình tượng người lính:  cao đẹp, anh hùng dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc. (0,5)

 

  1. II.               Phần làm văn (6 điểm): Học sinh chỉ được chọn một trong 2 đề sau:

Đề 1: Đọc truyện ngắn Vợ nhặt, nhận xét về nhà văn Kim Lân, có ý kiến cho rằng: “Ông là cây bút có biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật”, ý kiến khác lại nhấn mạnh “Ông là nhà văn có tấm lòng nhân đạo sâu sắc”

Anh/chị hãy bình luận và làm sáng tỏ các ý kiến trên thông qua việc phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ

Đề 2: Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng: “Nét nổi bật ở người nghệ sỹ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.”

Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận hai ý kiến trên.

Hướng dẫn:

Đề 1:

A. Mở bài (0,5 điểm)

- Kim Lân là nhà văn viết rất ít nhưng rất thành công ở lĩnh vực truyện ngắn. Ông được coi là nhà văn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn” (Nguyên Hồng).

- Tiêu biểu cho sự thành công lĩnh vực truyện ngắn của ông là tác phẩm “Vợ nhặt” – in trong tập “Con chó xấu xí”. Truyện là bài ca về tình người, về lòng lạc quan và niềm khát sống mãnh liệt của những con người sống trong tận cùng của đói khổ.

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bằng tấm lòng và tài năng, Kim Lân đã khắc họa đậm nét và cảm động diễn biến tâm trạng đầy phức tạp và nỗi lòng của bà cụ Tứ và thể hiện tấm lòng nhân đạo của mình với những kiếp người nghèo khổ.

B. Thân bài: (5 điểm)

1. GIẢI THÍCH Ý KIẾN: (0,5 điểm)

- Ý kiến thứ nhất: “Ông là cây bút có biệt tài miêu tả tâm lí”

“ Miêu tả tâm lí” là khám phá, đi sâu vào từng ngõ ngách, thể hiện những chuyển biến tinh tế trong tâm trạng nhân vật. Ý kiến này đánh giá tài năng nghệ thuật của Kim Lân.

- Ý kiến thứ hai. “Ông là người có tấm lòng nhân đạo”

“ Nhân đạo” là lòng thương người. Tấm lòng nhân đạo được biểu hiện ở các phương diện sau:

+ Đồng cảm, xót thương trước số phận bi kịch của con người.

+ Đề cao, trân trọng, ngợi ca con người.

+ Lên án, phê phán những thế lực chà đạp lên con người.

+ Khẳng định khát vọng, ước mơ của con người về quyền sống, quyền hạnh phúc,…

2. CHỨNG MINH - BÌNH LUẬN Ý KIẾN: (4,5 điểm)

Hai ý kiến khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành một cái nhìn khái quát về nhà văn Kim Lân.

2.1/ Ý kiến thứ nhất: Ông là cây bút có biệt tài miêu tả tâm lí (Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật): (2 điểm)

- Hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng: giữa những ngày đói, bà cụ Tứ cũng giống mọi người, lần hồi kiếm miếng ăn và lo lắng vì sự ám ảnh của cái đói thì anh Tràng- con trai bà bỗng nhiên nhặt được vợ.

- Diễn biến tâm trạng:

+ Khi trở về nhà, nhìn thấy người đàn bà lạ xuất hiện trong ngôi nhà của mình, nét tâm lí đầu tiên của bà cụ Tứ là thái độ hết sức ngạc nhiên, bà không tin ở mắt mình.

+ Sau khi nghe Tràng xác nhận đó là người vợ nhặt của Tràng, người mẹ nghèo hiểu ra bao cơ sự vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình; bao nỗi niềm tâm tư ngổn ngang trào dâng giằng xé trong bà. Lòng bà trào dâng nỗi tủi phận và cả sự lo lắng; bà lo cho con bằng nỗi lo của người mẹ nghèo từng trải đã biết thế nào là đói khát. Bởi vậy nỗi lo càng trở nên đớn đau đến quặn thắt, dồn lại thành những giọt nước mắt tủi hờn.

+ Khi nhìn người con dâu, lòng người mẹ nghèo không khỏi xót thương cho cảnh ngộ của chị. Bà hiểu và không chút coi thường, khinh rẻ mà dành cho người vợ nhặt của Tràng sự đồng cảm, xót thương, bà cư xử dịu dàng, ân cần và trìu mến đối với chị: “Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” “Con ngồi xuống đây, ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”…

+ Mở lòng đón nhận người con dâu, tâm trạng của bà chuyển sang niềm vui và hi vọng. Bà an ủi, động viên con cũng chính là động viên mình bằng một niềm tin rất chân thật “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”

+ Hạnh phúc của đứa con khiến người mẹ có nhiều đổi thay khác lạ, nhanh nhẹn hơn, “tươi tỉnh khác thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên . Bà cố gắng bằng tấm lòng người mẹ để bù đắp để làm mất đi cái phần tủi sầu, để hạnh phúc của con thêm phần trọn vẹn.

+ Trong bữa cơm bà nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau, nhưng niềm vui của bà không trọn vẹn bởi không khí căng thẳng vì cái đói và sự bức bối, ngột ngạt bởi tiếng trống thúc thuế dồn dập.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: (0,5 điểm)

+ Diễn tả tâm lí nhân vật tinh tế, thông qua hành động, cử chỉ, nét mặt, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, phù hợp với nhân vật…

+ Với khả năng đi sâu vào diễn biến tâm lí nhân vật, diễn tả thật xúc động tâm trạng nhân vật, nhà văn giúp người đọc hình dung rõ hơn nghịch cảnh éo le của người lao động trong nạn đói.

2.2/ Ý kiến thứ hai: Ông là nhà văn có tấm lòng nhân đạo sâu sắc (2,0 điểm)

- Nhà văn đã phát hiện, chia sẻ và cảm thông với những bất hạnh, cơ cực và nỗi lòng của người mẹ nghèo. Hơn ai hết, nhà văn đã nhìn thấu những xót xa, buồn tủi của bà cụ Tứ trước cảnh ngộ éo le của con trai "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà đang ăn nên làm nổi... còn mình thì...", "Người ta có gặp bước khso khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được"...

- Ông còn phát hiện, trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Mặc dù bị xô đẩy đến bước đường cùng, mấp mé bên bờ vực của sự sống và cái chết, nhưng những người nông dân vẫn cưu mang, giúp đỡ nhau, chia sẻ cho nhau miếng cơm, manh áo. Hiện thực cuộc sống càng đen tối bao nhiêu, những phẩm chất của họ lại càng ngời sáng bấy nhiêu. (Chú ý phân tích cảnh bà cụ Tứ chấp nhận cô con dâu mới trong lúc gia đình cảnh đang rất khó khăn, không biết sống chết lúc nào, để làm nổi rõ tình người của họ).

- Kim Lân cũng thể hiện một sự trân trọng đối với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và mái ấm gia đình; luôn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp với những con người cùng khổ.

- Ông nâng niu từng mong ước của họ dẫu là mong ước nhỏ bé, bình dị đến tội nghiệp, đáng thương "Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà ... Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem".

è Trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà cụ Tứ và vợ chồng Tràng vẫn luôn hướng tới một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc (cần chú ý những chi tiết diễn tả tâm trạng bà cụ Tứ, thái độ của Tràng, vợ Tràng trong bữa ăn, rồi nhà cửa , sân vườn đều được quét tước , thu dọn sạch sẽ, gọn ghẽ). Một cái gì mới mẻ, khác lạ đang đến với mỗi thành viên trong gia đình bà cụ Tứ và hé mở trước họ một tương lai tươi sáng, ấm áp hơn!

C. Kết bài: (0,5 điểm)

- Hai ý kiến đã bổ sung khái quát cho nhau làm nên một hình tượng nhân vật đẹp đẽ, có sức khái quát cao và giàu ý nghĩa nhân văn.

- Qua nhân vật bà cụ Tứ nói riêng và tác phẩm "Vợ nhặt" nói chung, ta còn thấy ở Kim Lân một cây bút có tàimột trái tim nhân hậu, yêu thương, trân trọng con người hết mực.

Đề 2:

A.Mở bài: (0,5 điểm)

-Tác giả: Nguyễn Minh Châu là nhà văn của bút pháp “đi tìm hạt ngọc ẩn tàng trong tâm hồn con người”.

-Tác phẩm: “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu với nhân vật Phùng có hai ý kiến nhận xét về nét nổi bật của người nghệ sĩ này :

+ “Một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật”.

+ “Vẻ đẹp sâu xa của người nghệ sĩ Phùng chính là tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người”.

B.Thân bài: (5 điểm)

1. Tóm lược về nhân vật Phùng gắn liền nhiệm vụ tìm một tấm ảnh đẹp bổ sung bộ lịch và phát hiện hai hình ảnh của chiếc thuyền ngoài xa và chiếc thuyền đến gần. (0,5 điểm)

2. Phân tích – chứng minh: (4,5 điểm)

2.1. “Một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật” (2 điểm)

 Chiếc thuyền ngoài xa là cảnh đắt trời cho được nghệ sĩ thu vào máy ảnh bằng cả tâm hồn nhạy cảm với cảnh vật, nét đẹp hài hòa giữa hình ảnh và ánh sáng.

 Nên ở Phùng nếu thiếu một trái tim nhạy cảm và say mê cảnh đẹp như bức tranh mực tàu của chiếc thuyền ngoài xa khó tạo một tấm ảnh tuyệt đỉnh của ngoại cảnh “ngắm kĩ thấy màu hồng hồng của ánh sương mai”.

Với cái đẹp tuyệt đỉnh này, nếu dừng lại người nghệ sĩ chỉ tạo được cái thần của cảnh thiếu cái hồn của cuộc sống.

2.2. Khi chiếc thuyền đến gần, người nghệ sĩ Phùng tiếp tục khám phá đời sống của gia đình hàng chài được đánh giá “Vẻ đẹp sâu xa của người nghệ sĩ Phùng chính là tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người (2 điểm)

Với cảnh chồng đánh vợ như trút cơn giận lửa cháy vào tấm lưng áo bạc phếch rách rưới để rồi đau đớn và nguyền rủa “Mày chết đi cho ông nhờ - Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ” khẳng định cuộc sống đói nghèo làm con người tha hóa trong sự trăn trở của người nghệ sĩ đầy tâm huyết với cuộc đời. Và người vợ lại cam chịu nhẫn nhục từ lòng yêu chồng, thương con cũng được khám phá từ tâm hồn người nghệ sĩ theo bút pháp khám phá trái tim của người phụ nữ Việt Nam yêu chồng thương con. Cho đến lúc Phùng chứng kiến sự xuất hiện của đứa con đánh bố với quyết tâm nhất định tiêu diệt bạo lực gia đình làm cho tâm trạng của mẹ xấu hổ đau đớn tủi nhục cũng chính là tâm hồn của nghệ sĩ Phùng đang lo âu về thân phận con người về sự tha hóa của trẻ con khi chứng kiến bạo lực của người lớn.

Nên với phần kết thúc tác phẩm “nhìn lâu thấy hình ảnh người đàn bà bước ra từ tấm ảnh với tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá – giậm chân trên mặt đất chắc chắn hòa lẫn vào trong đám đông” nhấn mạnh trách nhiệm của người nghệ sĩ khi khai thác, khám phá đối tượng của văn học là con người trong cuộc sống đời thường.

  1. 3.     Cảm nhận của người viết về hai ý kiến này (0,5 điểm)

 Có phải chăng đây là quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” cộng hưởng trong sự khai thác của nhân vật Phùng cũng chính là nhà văn Nguyễn Minh Châu để tạo một tác phẩm văn học có giá trị.

C. Kết bài: (0,5 điểm)

 Học sinh tổng kết lại được nghệ thuật và nội dung