TƯ LIỆU THAM KHẢO LÀM BÀI THU HOẠCH CHUYẾN HỌC TẬP NGOẠI KHÓA TẠI ĐÀ LẠT TỪ 28 ĐẾN 30/12/2015

DÀN Ý CHUNG CỦA MỘT BÀI VĂN THUYẾT MINH

1. Mở bài
Giống với dạng văn nghị luận, một bài văn thuyết minh có thể được mở đầu bằng:
– Giới thiệu nhằm dẫn dắt đến nội dung cần thuyết minh
– Nêu vấn đề (đối tượng) cần thuyết minh
Có nhiều cách để mở bài, học sinh có thể mở bài theo lối trực tiếp (tức là đi thẳng vào vấn đề), cũng có thể mở bài theo lối gián tiếp (thông qua 1 câu chuyên, 1 nhận định…). Dù là cách nào, điều quan trọng nhất vẫn là nêu ra được nội dung thuyết minh.
2. Thân bài
– Tìm ý, chọn ý từ việc xác định đối tượng cần thuyết mình: có những đặc điểm gì, khai thác theo hướng nào, vai trò, tác dụng….
– Sắp xếp các ý thành một chỉnh thể hoàn chỉnh
+ Nêu khái niệm
+ Phân tích đặc điểm
+ Bình luận, đánh giá
+…
          Trong phần thân bài, các ý của bài văn thuyết minh có thể được sắp xếp theo các trình tự: thời gian, không gian, lôgic, trình tự nhận thức,… hoặc là hỗn hợp của các quan hệ, miễn sao phù hợp với đối tượng thuyết minh và đạt được mục đích thuyết minh.

          Một điểm lưu ý nữa, bài văn thuyết minh về cơ bản là cung cấp thông tin một cách tổng thể và đầy đủ về đối tượng cho người đọc. Do vậy, ngoài việc sắp xếp các ý sao cho logic và có trình tự hợp lý, học sinh cần phải có nền tảng kiến thức, hiểu biết nhất định về đối tượng thuyết minh. Nếu không có tri thức bài văn thuyết minh sẽ không thuyết phục vì thiếu thông tin.

3. Kết bài
Ở bài văn tự sự, kết bài thường là sự kết thúc của câu chuyện, nhận định về ý nghĩa của câu chuyện. Ở bài văn nghị luận, kết bài thường là tóm gọn lại vấn đề và nêu ra bài học kinh nghiệm. Còn ở bài văn thuyết minh, kết bài lại nhấn mạnh về đối tượng đã thuyết minh và tạo ấn tượng cho người đọc về đối tượng ấy.
          Văn thuyết minh không phải là một dạng bài khó, nó chỉ khác các dạng bài khác ở chỗ yêu cầu về tri thức thực tế nhiều hơn, chính xác và khách quan hơn.

MỘT SỐ THÔNG TIN ĐỀ LÀM BÀI BÀI THU HOẠCH CHUYẾN HỌC TẬP NGOẠI KHÓA ĐÀ LẠT TỪ 28 ĐẾN 30/12/2015

 

PHÂN VIỆN SINH HỌC ĐÀ LẠT

Phân Viện Sinh học nằm trên đỉnh đồi Tùng Lâm cao 1.548m, giữa khu rừng thông cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 10km trên đường đi Suối Vàng thuộc số 116 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P7,Tp.Đà Lạt. Còn được gọi là Bảo Tàng thiên nhiên Tây Nguyên trực thuộc viện khoa học tự nhiên và Công Nghệ quốc gia. Bảo Tàng là một căn nhà 4 tầng, có 115 phòng, được thành lập từ năm 1985. Phân viện sinh học không những là một điểm tham quan lí tưởng của bao du khách, mà còn là bảo tàng sống của trăm ngàn loài động thực vật quý hiếm.

 

Phân viện sinh học trước kia là học viện của dòng Chúa cứu thế thuộc giáo hội công giáo, xây dựng năm 1950. Đến năm 1991 công trình này được chuyển giao cho viện sinh học nhiệt đới trực thuộc trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia. Điểm nổi bật của công trình kiến trúc nơi đây là toà nhà bằng đá, với nhiều cửa sổ nhìn ra đồi thông vi vút trong tiếng gió. Ở phía trước ngôi nhà đá có cây thập tự giá với hai hàng chữ bằng tiếng Latin: “Copiosa Apud Eum Pedemptio”, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Ơn cứu độ chan chứa nơi Ngài”

Phân viện sinh học Đà Lạt tổ chức trưng bày các hiện vật gồm động vật và thực vật của các tỉnh Tây Nguyên từ năm 1990. Các loài thực vật đang được nghiên cứu và trưng bày tại đây gồm các loại lan và cây cảnh với khoảng 400 loài. Động vật được trưng bày tại cũng rất phong phú theo từng bộ, lớp như: bộ gậm nhấm gồm nhím đuôi ngắn, dúi mốc lớn, sóc bay, sóc chân vàng, sóc nâu; bộ linh trưởng gồm culi nhỏ voọc vá chân đen, voọc bạc, khỉ cộc, vượn đen, lớp lưỡng thê bò sát như các loải rắn, tò te, thằn lằn, kỳ nhông, cá sấu, trăn, vích, đồi mồi, kỳ đà, rùa núi viền…cùng các loài thú quý hiếm tê giác, bò xám, bò tót, trâu rừng, cà toong, voi, hổ, gấu, vượn đen, nai, cheo cheo, lợn rừng, chó sói, gà gô, tê tê…và một số lớp khác như lớp chim và các loài côn trùng.

Tham quan nơi đây, du khách sẽ có dịp thưởng lãm bộ sưu tập hoa lan phong phú được trưng bày trong hệ thống giàn gỗ với chừng 900 chậu địa lan nội ngoại, khoảng 1300 giò, chậu, bảng phong lan các loại. Viện Sinh học Tây Nguyên hiện đang chăm sóc gìn giữ nguồn gène của gần 200 loài lan rừng khác nhau như nguồn dự phòng cho phát triển kinh tế địa phương mai sau. Đây là những loài được tìm thấy ở các rừng Lâm Đồng và vùng phụ cận mà trong số đó nổi bật những cái tên như: Thanh lan, Thanh đạm, Tuyết ngọc… là những giống loài quí hiếm, hoặc như Hài đỏ được xếp vào những loài đẹp nhất thế giới.

Bộ sưu tập động vật của Tây nguyên và của cả nước được trưng bày tại 7 phòng gồm 378 mẫu thú của 58 loài, 242 mẫu chim của 94 loài, 42 mẫu lưỡng thê bò sát của 32 loài, 36 mẫu thú nuôi nhà của 22 loài và hơn 200 hộp mẫu các loài côn trùng được sắp xếp theo từng loài, lớp, bộ, họ, đi từ động vật phát triển cấp thấp đến cấp cao, từ động vật biển như san hô, cua, ốc; loài lưỡng thê như trăn, rắn; động vật nuôi như gà, vịt, bò, cừu; lớp côn trùng; lớp chim; lớp thú rồi đến loài vật có não bộ phát triển ở bậc cao gần với con người như họ khỉ hầu hay linh trưởng…

Một danh sách đỏ cũng được Bảo tàng giới thiệu, từ các loài đang nguy cấp (đang bị đe dọa tuyệt chủng) như Gấu ngựa, Mang lớn, Cầy vằn bắc, Vượn má hung, Sóc bay sao, Sói đỏ, Cầy giông sọc, Gấu chó, Hổ, Báo hoa mai… đến các loài sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng) như Sơn dương, Cầy mực, Mèo gấm, Báo gấm, Beo lửa, Rái cá vuốt, Kỳ đà nước, Vọc vá chân đen, Lửng lợn… các mẫu vật được giới thiệu trong những tư thế tự nhiên sinh động. Khi gởi đi những lời kêu gọi: “Hãy bảo vệ loài tê giác Java”, “Hãy bảo vệ Sao la ”, “Hãy cứu lấy đàn voi của chúng ta”… các nhà khoa học dường như còn muốn nhắn nhủ: “Hãy thân thiện hơn với thiên nhiên, để thiên nhiên mãi là bạn đồng hành của con người !”

Đặc biệt tại phòng tham quan đầu tiên còn trưng bày hai mô hình vũ trụ và mô hình sao kim, sao hỏa do Liên Xô cũ tặng Việt Nam năm 1989. Du khách đến tham quan sẽ được giới thiệu về  sự vận hành của các hành tinh trong vũ trụ, sự hoạt động của tàu vũ trụ và vệ tinh nhân tạo.

Nơi tầng ba, tầng bốn của phân viện sinh học Đà Lạt là nơi nghiên cứu về thực vật: chiết tách các thành phần của cây thông lá đỏ để lấy chất chống ung thư; nuôi cấy các loài mô lan và hoa kiểng; nghiên cứu nuối trồng nấm để đưa ra phương pháp, kỹ thuật phổ biến phục vụ đời sống người dân như: nấm rơm, nấm mỡ…

 Phân Viện Sinh học có chức năng nghiên cứu hoá học, nghiên cứu vi sinh, nghiên cứu thực vật và công nghệ sinh học nuôi cấy mô...Ngoài ra, Phân Viện Sinh học còn hoạt động như một bảo tàng nhằm giới thiệu những loài đặc hữu tại Tây Nguyên và Lâm Đồng gồm bảo tàng động vật và vườn thực vật phục vụ tham quan và du lịch, tuyên truyền bảo vệ môi trường sống và cấm săn bắt thú rừng, phục vụ như cầu tham quan của du khách cũng như việc nghiêm cứu học tập cho học sinh sinh viên. 

 Không chỉ là một điểm dừng chân của du khách tham quan trong nước, Phân viện sinh học thành phố Đà Lạt còn là điểm đến của du khách nước ngoài, và của cả những nhà nghiên cứu khoa học. với ý nghĩa nghiên cứu khoa học tự nhiên, Phân viện đã cấy ghép thành công các loại gen quý hiếm của thế giới động thực vật.

BIỆT ĐIỆN TRẦN LỆ XUÂN – TT LƯU TRỮ QUỐC GIA IV

Biệt Điện Trần Lệ Xuân nằm ở số 2 đường Yết Kiêu, Tp. Đà Lạt. Tọa lạc trên đồi Lam Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 3km, được khởi công xây dựng vào năm 1958 với diện tích khoảng 13.000m², nổi bật với hồ nước nóng lộ thiên, được thiết kế đặc biệt để gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá cao cấp của chính quyền Ngô Đình Diệm có thể giải trí giữa cái lạnh của Đà Lạt mộng mơ. Khu biệt điện này là của Ông Ngô Đình Nhu và vợ là Trần Lệ Xuân, anh trai của ông Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Diệm vị tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một Biệt Điện gồm có 3 ngôi biệt thự, vào thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, công trình này là nơi nghỉ của gia đình Trần Lệ XuânNgô Đình Nhu. Sau khi Ngô Đình Nhu và anh trai là Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát năm 1963, Trần Lệ Xuân sống lưu vong, công trình này trở thành một khu du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt được nhiều người biết đến. Hiện nay, biệt điện Trần Lệ Xuân đã trở thành Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, là nơi tái hiện sinh động cuộc đấu tranh kiên cường trong cuộc chiến giành độc lập của Tây Nguyên và là nơi bảo quản khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn từng được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Lịch sử Biệt Điện Trần Lệ Xuân :

- Năm 1958 : vợ chồng bà Trần Lệ Xuân cho xây dựng khu biệt điện trên một quả đồi khoảng 13.000 m2, trong khu này sẽ xây dựng 3 khu biệt thự khác và một khu vườn hoa kiểu Nhật. Những công trình ở đây được xây dựng rất tốn nhiều chi phí và nguồn lực để tạo ra những khu biệt thự sang trọng hoa mỹ, cầu kỳ, mang phong thái quý tộc đó là những khu biệt thư : 

 

+ Biệt thự Bạch Ngọc : mục đích xây dựng giành làm nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá cấp cao, tráng lệ nhất, với mặt tiền hướng về đường Yết Kiêu, trong biệt thự này được trang trí khá hiện đại gồm phòng họp, phòng khiêu vũ, phòng trang điểm, phòng làm việc...và cả một hồ bơi nước nóng rộng 300 m2 để thư giản.

 

+ Biệt thự Lam Ngọc : là nơi nghỉ ngơi thư giản cuối tuần của gia đình Trần Lệ Xuân, có hướng quay về biệt thự Bạch Ngọc và được thiết kế gấp khúc, với nhiều phòng ốc nối nhau. Tất cả các phòng đều được trang bị hệ thống lò sưởi kiểu Pháp hiện đại vào bậc nhất thời đó. Trong phòng ăn có chiếc tủ lạnh với dung tích khá, thể hiện sự giàu có của gia đình này. Tại Lam Ngọc, còn có một đường hầm thoát hiểm nội bộ có nắp đậy bằng thép. Hầm không sâu nhưng rộng, với nhiều kệ sách và két sắt bên trong, được thiết kế rất công phu, sắt thép được chế tạo theo loại chống đạn, đến ngày nay người ta còn nghi ngờ là đường hầm này sẽ thông ra đến sân bay Cam Ly, nhưng khi khám phá thì ở đây chỉ là một đường hầm thông đến một hầm trú ẩn sức chứa khoảng 10 người, có thể là công trình đang được xây dựng đến tận sân bay nhưng vì chưa hoàn thành mà chế độ đã bị lật đổ.

+ Biệt thự Hồng Ngọc : Rời Lam Ngọc, men theo một con đường uốn cong sẽ đến Hồng Ngọc. Biệt thự có diện tích nhỏ hơn cả và nằm khá tách biệt, là quà tặng của Trần Lệ Xuân dành cho cha mình là ông Trần Văn Chương. Nếu Lam Ngọc, Bạch Ngọc mang thiết kế của kiến trúc Pháp hiện đại thì Hồng ngọc mang đặc trưng của trường phái cổ điển với những viên đá màu xám, cột tròn.

+ Vườn hoa kiểu Nhật : Bà Trần Lệ Xuân đã mướn các kỹ sư thiết kế bên Nhật qua để thiết kế cho bà một khu vườn tuyệt đẹp mang đậm phong cách Nhật với những thảm cỏ, bãi đá, những loại hoa lạ và đẹp của Đà Lạt cùng với các loại kỳ hoa dị thảo được mang về từ đất nước mặt trời mọc cũng là một nét độc đáo của biệt điện Trần lệ Xuân ở Đà Lạt. Trong khu biệt điện còn có một hồ sen, mà hồ sen này khá đặt biệt khi bơm đầy nước sẽ hiện lên một bản địa đồ của Việt Nam. Giữa địa đồ thu nhỏ này còn có cả dải phân cách thể hiện vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam -Bắc.

- Năm 1963 : Khu biệt điện trở nên hoang tàn vì năm đó chồng bà là Ngô Đình Nhu và tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát nên chế độ nhà họ Ngô đã bị suy tàn, tài sản của họ Ngô được chế độ Sài Gòn tịch thu, biệt điện Trần Lệ Xuân được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sung làm Bảo tàng sắc tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau ngày biệt điện được làm bảo tàng thì rất nhiều người đến đây để chiêm ngưỡng công trình xa hoa lộng lẫy được mệnh danh là "Đệ Nhất Trời Nam" này, sự quản lý không chặt chẻ khiến cho biệt điện bị tàn phá nặng nề bởi người dân.

 

- Năm 1975 : sau những năm giải phóng biệt điện càng bị tàn phá nặng nề hơn và xuống cấp do người dân xung quanh tận dụng những phòng ốc để nuôi gia súc, hồ bơi và hồ sen họ tận dụng để nuôi cá.

 

-Năm 2003: cùng trong khuôn viên biệt điện, trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 đã được xây dựng để lưu trữ nhiều tài sản quốc gia vô giá, trong đó có 34.618 mộc bản của triều Nguyễn.

Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán và chữ Nôm ngược, được dùng phổ biến dưới thời phong kiến. Mộc bản thời Nguyễn ghi lại những tác phẩm bất hủ như Nam quốc sơn Hịch tướng sĩBình Ngô đại cáo và đặc biệt là bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn vào năm 1010.

Mộc bản chia làm chín chủ đề chính: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo – tư tưởng – triết học, ngôn ngữ – văn tự, chính trị – xã hội và văn hóa – giáo dục.

- Năm 2007: nhà nước chính thức chi 53 tỉ để trùng tu khu biệt điện Trần LệXuân theo kiến trúc cũ để làm cơ sở cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Là nơi lưu trữ tư liệu Mộc Bản Triều Nguyễn và tái hiện cuộc đấu tranh kiêng cường giành độc lập tại Tây Nguyên này. Đây là khu được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

 - Năm 2008:  Sau một thời gian trùng tu, Biệt điện Trần Lệ Xuân được mở cửa lại.

- Hiện nay: khu biệt điện này là một địa điểm du lịch Đà Lạt không thể thiếu, biệt điện thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

 

Đến đây vào ban ngày, từ vọng đài ngoài sân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ nét đẹp của khu biệt điện, cùng những con đường nhỏ uốn cong, những ngôi nhà ẩn hiện trong màu xanh của thông. Nếu đến vào ban đêm, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác đế vương, nhâm nhi bình trà nóng trong cái lạnh của Đà Lạt, trong cái đẹp sang trọng nhưng không kém phần lãng mạn của biệt điện, những đêm trời có trăng khung cảnh càng thơ mộng.

 

ĐƯỜNG HẦM ĐẤT SÉT ĐÀ LẠT

Đường hầm đất sét nằm trong khu du lịch Đà Lạt Star thuộc khu vực hồ Tuyền Lâm, phường 4, Đà Lạt. với rất nhiều tên gọi khác nhau như : Đường hầm điêu khắc, đường hầm đất. Đường hầm đất sét này được bắt đầu xây dựng từ năm 2008 nhưng mãi đến năm 2012 mới thành công trong việc tìm ra công thức trộn đất đỏ phù hợp. Với chiều dài khoảng 2 km, bởi anh Trịnh Bá Dũng làm chủ, một doanh nhân ở Đà Lạt với ý tưởng tái hiện lại một Đà Lạt từ thuở ban sơ đến khi phát triển thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Việt Nam và đồng thời tái hiện lại những nét văn hóa, kiến trúc độc đáo. tính tới nay chủ nhân của nó anh Trịnh Bá Dũng đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Toàn bộ công trình đường hầm điêu khắc có 2 chủ đề chính là tái tạo lịch sử thành phố Đà Lạt và những câu chuyện văn hóa, nhân văn có tính giáo dục:

-         Ở chủ để thứ nhất, khắc họa lịch sử Đà Lạt theo các giai đoạn: từ thuở hoang sơ đến năm 1893 năm mà Yersin khám phá ra cao nguyên Langbiang với những truyền thuyết về thiên nhiên hoang dã được khắc họa đầy đủ từ đủ loại thú rừng đến thiên nhiên hoang sơ.

-         Tiếp theo là giai đoạn bác sĩ Yersin khám phá Đà Lạt. Giai đoạn này được minh họa bằng những công trình kiến trúc và văn hóa độc đáo như ga xe lửa, dinh Bảo Đại, trường Lycée Yersin, Viện Pasteur, Đại học Đà Lạt, Khách sạn Palace, nhà thờ Con Gà, Giáo hoàng học viện, chùa Linh Sơn, hồ Xuân Hương, cầu Ông Đạo, chợ Đà Lạt…

-         Cuối cùng là Đà Lạt hiện tại và tương lai với nhiều kiến trúc mới, như: Sân bay Liên Khương, đường cao tốc, hồ Tuyền Lâm, thung lũng Tình yêu...

Đường hầm này cũng chính là sự đột phá đỉnh cao về chất liệu, sau 4 năm mày mò chủ nhân của nó mới tìm ra công thức biến đất sét thành một chất liệu mới bao gồm đất đỏ bazan và một phần bột đá cùng xi măng. Có màu nâu đậm độc đáo, không bị mưa làm nhão, có độ bền tương đương với bê tông và đặc biệt thân thiện với môi trường.

Chủ nhân của công trình đã cho đào và di dời tới 50.000 mét khối đất để làm nên đường hầm dài 1.2km, rộng từ 2 đến 10 mét.

Công trình điêu khắc đặc biệt ấn tượng từ cổng vào cho đến các tác phẩm trong đó. Các mô hình bao gồm một con rồng khổng lồ đón người xem, một góc Tây Nguyên với voi Bản Đôn, nhà rông, đỉnh Langbiang… Chuyến khám phá đường hầm đất sét độc đáo này bắt đầu từ đầu con rồng, tượng trưng cho nòi giống Rồng Tiên của người Việt . Từ đó, du khách được khám phá tổng quan về Đà Lạt với chất liệu toàn bằng đất sét, đặc biệt là cảm nhận rõ nét về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt. và điểm kết thúc là đuôi của nó

Trong đường hầm điêu khắc có một ngôi nhà làm hoàn toàn bằng đất đỏ trộn với bột đá và xi măng rộng khoảng 90m2 đã được trung tâm sách kỷ lục ViệtNam xác nhận 2 kỷ lục đó là : ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên diện tích lớn nhất và ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên có phong cách độc đáo nhất. Toàn bộ nội thất trong ngôi nhà đều làm từ đất đỏ bazan và có thể dùng được như bàn ghế, nhà tắm, bồn rửa tay, lò nướng... Đặc biệt, trên mái ngôi nhà có hình bản đồ Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các hạng mục trang trí khác,trước mặt tiền ngôi nhà còn có bảng chữ cái Việt Nam được khắc nổi. Đây thực sự là một điểm du lịch có tính giáo dục nhân văn cao đối với thế hệ hiện nay và mai sau.

 Đến với khu du lịch Đường hầm điêu khắc, quý khách được chiêm ngưỡng một Đà Lạt, Tây Nguyên thu nhỏ với những nét kiến trúc và văn hóa, lịch sử đặc trưng và sinh động. Du khách được trải nghiệm cảm giác đi vòng quanh một khu di tích cổ với những cảm giác kỳ thú và đầy phiêu lưu khi phải vượt qua những góc quanh co của con đường hầm.  Du khách còn được lắng nghe những câu chuyện về lịch sử, truyền thuyết Đà Lạt, Langbiang, cùng chụp những bức ảnh có một không hai tại đây và ngắm nhìn cảnh vật hoang sơ xung quanh khu du lịch.

--- Chúc các em làm bài thu hoạch tốt và tích lũy thêm nhiều kiến thức---